ReportBáo cáo

Tai nạn lao động và nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi TNLĐ xảy ra

2023/02/21

Mở bài:

Người lao động (NLĐ) bị tai nạn lao động (TNLĐ) là điều không ai mong muốn nhưng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong quá trình lao động. TNLĐ gây thiệt hại đến sức khỏe, làm suy giảm khả năng lao động thậm chí là tính mạng của NLĐ, chính vì vậy pháp luật đã đặt ra người sử dụng lao động (NSDLĐ) trách nhiệm phải ngăn ngừa TNLĐ, bồi thường, chi trả các chi phí hợp lý cho NLĐ bị nạn. Bài báo cáo này sẽ trình bày một số vấn đề chung về TNLĐ và nghĩa vụ của NSDLĐ khi có TNLĐ xảy ra.

Nội dung:

  1. TNLĐ là gì?

TNLĐ là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho NLĐ, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.[1]

Như vậy, có thể hiểu rằng đặc điểm của TNLĐ là:
– Những tai nạn xảy ra trong thời gian NLĐ làm việc và tại nơi làm việc; hoặc
– Tai nạn gắn liền với công việc, nhiệm vụ mà NLĐ thực hiện theo sự phân công của NSDLĐ.

  1. Các trường hợp TNLĐ được hưởng chế độ TNLĐ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả:

Theo quy định, không phải tất cả các trường hợp TNLĐ thì NLĐ đều được hưởng chế độ TNLĐ từ Qũy BH TNLĐ-BNN[2]. Cụ thể, NLĐ tham gia bảo hiểm TNLĐ- BNN được hưởng chế độ TNLĐ khi có đủ các điều kiện sau đây:

Điều kiện 1: TNLĐ của NLĐ thuộc một trong 3 trường hợp sau:

Trường hợp 1, tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của doanh nghiệp cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

Tại trường hợp này, chúng ta bắt gặp khái niệm về “nơi làm việc”, theo đó, nơi làm việc sẽ là bất cứ địa điểm nào mà NLĐ thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của NSDLĐ, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc[3]. Có thể thấy rằng khái niệm nơi làm việc không chỉ gói gọn ở “Văn phòng/ trụ sở công ty” mà còn bao gồm các nơi khác.

Lấy một ví dụ minh họa thực tế, trong bối cảnh Covid vừa qua, hình thức làm việc tại nhà được nhiều doanh nghiệp áp dụng, khi đó đã có sự thỏa thuận giữa NSDLĐ và NLĐ về việc làm việc “tại nhà ở của NLĐ”, cho nên lúc này, “nhà ở của NLĐ” được xem là “nơi làm việc”, nếu NLĐ không may bị tai nạn tại nhà trong thời gian làm việc (như cháy nổ các thiết bị điện tử được công ty giao, té ngã trong khi đi vệ sinh tại nhà trong quá trình làm việc…) thì vẫn có thể được xem là TNLĐ.

Trường hợp 2, ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của NSDLĐ hoặc người được NSDLĐ ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

Trường hợp 3, trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

Hiện tại, chưa có văn bản hay quy định nào hướng dẫn yếu tố “khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý” để làm căn cứ xác định TNLĐ. Tuy nhiên, thể theo tinh thần của Nghị định 152/2006/NĐ-CP (hiện đã hết hiệu lực áp dụng), có thể hiểu rằng:

– “Khoảng thời gian hợp lý” là khoảng thời gian cần thiết để đến nơi làm việc trước giờ làm việc hoặc trở về sau giờ làm việc.
– “Tuyến đường hợp lý” là tuyến đường thường xuyên đi và về từ nơi thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú đến nơi làm việc và ngược lại.

Điều kiện 2: NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị TNLĐ. Việc xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động được xác định thông qua giám định bởi Hội đồng giám định y khoa.

Điều kiện 3: NLĐ bị tai nạn không thuộc các trường hợp sau:

  1. Tai nạn do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
  2. Tai nạn do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
  3. Tai nạn do say rượu, bia hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy.

Khi NDSLĐ xác định NLĐ bị TNLĐ đủ điều kiện hưởng chế độ TNLĐ thì NSDLĐ phải có trách nhiệm lập hồ sơ, giải quyết hưởng chế độ TNLĐ cho NLĐ. Tuy nhiên, việc giải quyết chế độ TNLĐ đối với một số trường hợp đặc biệt được quy định tại Điều 8, Thông tư 28/2021/TT-BLDTBXH. Ví dụ:

– Đối với NLĐ bị tai nạn lao động không tham gia bảo hiểm y tế, thì NSDLĐ thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho họ.
– Trường hợp NLĐ đồng thời giao kết hợp đồng lao động với nhiều NSDLĐ mà bị TNLĐ thì đơn vị nơi phân công nhiệm vụ, công việc cho NLĐ dẫn đến TNLĐ chịu trách nhiệm lập hồ sơ, giải quyết hưởng chế độ TNLĐ cho NLĐ.
– Trường hợp NLĐ đồng thời giao kết hợp đồng lao động với nhiều NSDLĐ mà bị tai nạn trên đường đi từ nơi làm việc của đơn vị này đến nơi làm việc của đơn vị khác trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý mà được xác định là tai nạn hưởng chế độ TNLĐ, thì đơn vị nơi NLĐ đến làm việc được xác định là đơn vị nơi NLĐ bị tai nạn và NSDLĐ của đơn vị đó phải chịu trách nhiệm lập hồ sơ, giải quyết hưởng chế độ TNLĐ cho NLĐ; v.v.

  1. Nghĩa vụ của doanh nghiệp liên quan đến TNLĐ:

2.1. Nghĩa vụ phòng ngừa rủi ro TNLĐ:

NLĐ có quyền được làm việc trong môi trường làm việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động. Chính vì vậy, NSDLĐ có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro TNLĐ, tạo môi trường an toàn để NLĐ an tâm làm việc. Thực tế cũng cho thấy rằng, ATLĐ cũng là một trong những yếu tố để thu hút nguồn lao động, chính vì vậy, doanh nghiệp càng phải nên chú trọng xây dựng vững chắc cơ chế phòng ngừa TNLĐ trong nội bộ.

Một số nghĩa vụ cơ bản để phòng ngừa căn cứ theo pháp luật An toàn vệ sinh lao động có thể kể đến như:

  • Bảm bảo các thiết bị, máy móc, vật tư,… được sử dụng, vận hành, bảo quản, định kỳ kiểm tra tại nơi làm việc theo quy chuẩn kỹ thuật về an toàn;
  • Trang bị đầy đủ các thiết bị bảo bộ, an toàn lao động cho NLĐ khi thực hiện công việc;
  • Tuyên truyền, phổ biến, tổ chức huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho NLĐ; v.v

TNLĐ là điều không mong muốn đối với các chủ thể trong quan hệ lao động. Do đó, ngay từ đầu, NSDLĐ phải là chủ thể tiên phong trong việc thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, hạn chế thấp nhất rủi ro TNLĐ.

2.2. Nghĩa vụ khi TNLĐ xảy ra:

Khi xảy ra TNLĐ, NSDLĐ phải có nghĩa vụ đối ứng nhanh chóng nhằm giảm thiểu hậu quả do TNLĐ gây ra ví dụ như sơ cứu kịp thời ngay khi xảy ra, tạm ứng phí cấp cứu cho NLĐ, v.v. Đồng  thời, NSDLĐ còn có trách nhiệm thực hiện “nghĩa vụ tài chính” như chi trả chi phí y tế, tiền lương trong thời gian NLĐ nghỉ việc do điều trị, chi trả tiền bồi thường hoặc tiền trợ cấp… đối với NLĐ hoặc người thân của NLĐ bị TNLĐ theo quy định tại Luật An toàn vệ sinh lao động.

Tuy nhiên, tùy theo trường hợp thực tế mà công ty sẽ có thể chi trả “tiền bồi thường” hoặc “tiền trợ cấp” dựa trên yếu tố lỗi của NLĐ khi xảy ra TNLĐ như sau:

Nghĩa vụ tài chính Tiền bồi thường (1) Tiền trợ cấp (2)
Nguyên nhân của TNLĐ Không do lỗi hoặc chỉ có lỗi một phần của NLĐ.

Ví dụ: NLĐ bị nạn do không NSDLĐ không trang bị đồ bảo hộ cho NLĐ (Không có lỗi của NLĐ).

Hoàn toàn do lỗi của NLĐ

Ví dụ: NLĐ bị nạn do không mặc đồ bảo hộ khi làm việc mặc dù đã được NSDLĐ trang bị đồ bảo hộ (Hoàn toàn do lỗi của NLĐ).

Mức chi trả Dựa vào mức suy giảm khả năng lao động của NLĐ:

– Suy giảm 5%-10%: ít nhất 1.5 tháng lương

– Suy giảm 11%-80%: 1.5 tháng lương + [(mức suy giảm thực tế – 10) x 0.4 tháng tiền lương]

– Suy giảm từ 81% trở lên hoặc NLĐ chết: ít nhất 30 tháng lương.

 

Mức trợ cấp thấp nhất bằng 40% mức Tiền bồi thường (1)

 

Kết bài:

Thực tế, TNLĐ là điều không hiếm gặp, đặc biệt là trong các doanh nghiệp sản xuất, do vậy việc nắm rõ các quy định pháp luật để xác định TNLĐ và nghĩa vụ của mình là điều cần thiết. Tuy nhiên, TNLĐ xảy ra  luôn gây ảnh hưởng tiêu cực đến NLĐ và NSDLĐ, do đó, chúng tôi mong rằng quý doanh nghiệp trong khả năng của mình, hãy thực hiện tốt những biện pháp phòng ngừa TNLĐ và quán triệt TNLĐ theo tinh thần “phòng bệnh hơn chữa bệnh” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 

Văn bản luật tham khảo:

  • Luật An toàn vệ sinh lao động 2015;
  • Bộ Luật lao động 2019;
  • Nghị định 145/2020/NĐ-CP;
  • Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH.

[1] Khoản 8, điều 3, Luật ANVSLD 2015
[2] Khoản 1, Điều 45, Luật ANVSLD 2015
[3] Khoản 3, điều 84, Nghị định 145/2020/NĐ-CP

Liên hệ nếu doanh nghiệp có
những nhu cầu liên quan đến báo cáo