NewsTin Tức

Tin pháp luật

Xử lý vi phạm với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH của Doanh nghiệp

2024/05/02

Thực tế hiện nay, hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp với các mức độ khác nhau nhưng việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí hầu như không được xử lý, xét xử. Mặc dù, Bộ luật Hình sự đã quy định về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214); tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động (Điều 216). Hội đồng Thẩm phán đã có Nghị quyết số 05/2019/HĐTP ngày 15.8.2019 hướng dẫn áp dụng các điều này. Tuy nhiên, việc xác định hành vi phạm tội và áp dụng biện pháp xử lý còn có nhiều cách hiểu, khó khăn xác định cấu thành tội phạm, v.v. do đơn cử là do quy định pháp luật hiện hành chưa có quy định tách biệt hành vi “chậm đóng BHXH” và hành vi “trốn đóng BHXH”.

Dựa trên thực trạng này, tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội vào tháng 3/2024, đã có ý kiến về việc chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng làm rõ và tách riêng các điều về xác định chậm đóng, trốn đóng; xử lý chậm đóng, trốn đóng BHXH để phân định rõ hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng BHXH, qua đó có thể áp dụng biện pháp xử lý phù hợp, chế tài cao nhất đối với hành vi trốn đóng là xử lý hình sự. Dự kiến, vào kỳ họp Quốc hội thứ 7 (tháng 5.2024), Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sẽ được trình Quốc hội thông qua.

Có thể thấy, việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH đang được xây dựng theo hướng siết chặt & xử lý mãnh mẽ hơn, do đó, các doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ quy định pháp luật chặt chẽ để tránh chịu chế tài không đáng có. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật đến quý doanh nghiệp khi có thông tin chính thức khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được thông qua.