ReportBáo cáo

  • Trang Chủ
  • Báo cáo
  • Kế toán - Thuế
  • Doanh nghiệp cần lưu ý những điểm gì khi áp dụng giảm thuế Giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% từ 01/07/2023 đến 31/12/2023.

Doanh nghiệp cần lưu ý những điểm gì khi áp dụng giảm thuế Giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% từ 01/07/2023 đến 31/12/2023.

2023/09/23

Năm 2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 101/2023/QH15, Quốc hội khóa XV ngày 24/06/2023 thực hiện giảm thuế Giá trị gia tăng (GTGT) của một số hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất 10% xuống còn 8% trong thời gian từ ngày 01/07/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30 tháng 06 năm 2023 quy định chi tiết chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết của Quốc hội. 

Trong bài viết này chúng tôi tập trung làm rõ một số quy định đáng chú ý của Nghị định 44/2023/NĐ-CP và một số lưu ý đối với các doanh nghiệp được áp dụng giảm thuế GTGT như sau:

1.     Đối tượng được giảm thuế GTGT

Việc giảm thuế GTGT được áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% xuống 8%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:

a) Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất.

b) Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. 

c) Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. 

d) Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ theo quy định được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và không được giảm thuế GTGT.

2. Một số lưu ý đối với doanh nghiệp khi áp dụng giảm thuế GTGT

Mặc dù việc giảm thuế GTGT đã được thực hiện trong 10 tháng của năm 2022, nhưng có một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, khi áp dụng việc giảm thuế GTGT, doanh nghiệp cần chú ý một số điểm sau:

2.1. Xác định hàng hóa, dịch vụ bán ra, mua vào được giảm thuế GTGT

Chúng tôi khuyến nghị quy trình an toàn nhất để xác định hàng hóa, dịch vụ đang kinh doanh có được giảm thuế GTGT như sau:

Bước 1: Đối chiếu với khoản 1 Điều 1 Nghị định 44/2023/NĐ-CP, xác định ngành nghề/ lĩnh vực và các nhóm hàng hóa, dịch vụ của khách hàng có thuộc các nhóm quy định tại điểm a), b) hay c) hay không?

–       Nếu không thuộc: KH thuộc đối tượng giảm thuế GTGT;
–       Nếu thuộc: xác định tiếp theo bước 2 dưới đây.

Bước 2: Đối chiếu với các Phụ lục I, II, III Nghị định 44/2023/NĐ-CP theo thứ tự sau:

–       Đối với dịch vụ: kiểm tra theo mã ngành từ cột số (4) đến cột số (7)
–       Đối với các hoạt động nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại
・ Đối với khâu sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại: kiểm tra theo cột (8) và cột (9)
・ Riêng đối với khâu nhập khẩu: kiểm tra theo mã HS (cột số 10, Phụ lục I, III)

Doanh nghiệp có thể tra cứu mã ngành nghề kinh doanh và chi tiết hoạt động bằng cách nhập tên công ty/ mã số thuế trên Cổng thông tin doanh nghiệp: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/Pages/Trangchu.aspx.

(Mã ngành trên Cổng thông tin là mã ngành cấp 4 số, chi tiết ngành nghề có thể được kiểm tra tại Quyết định số 27/2018)

Thực tiễn áp dụng cho thấy có rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xác định hàng hóa, dịch vụ mình kinh doanh có thuộc danh mục không được áp dụng giảm thuế GTGT hay không. Bởi lẽ, hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra rất đa dạng, phức tạp và quy định trong Nghị định không thể chi tiết, cụ thể đến từng trường hợp của từng doanh nghiệp. Nếu rơi vào tình trạng này, doanh nghiệp nên gửi công văn hỏi cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị để được hướng dẫn cụ thể.

2.2. Một số trường hợp không được áp dụng giảm thuế GTGT

Việc giảm thuế GTGT được áp dụng từ ngày 01/07/2023 đến ngày 31/12/2023. Trong Nghị định 44/2023/NĐ-CP không hướng dẫn chi tiết về thời điểm xuất hóa đơn để được áp dụng giảm thuế GTGT. Đến hết tháng 07/2023, chưa có hướng dẫn mới nào từ Công văn của Bộ Tài Chính về vấn đề này. Căn cứ vào hướng dẫn tại Công văn 2688/BTC-TCT ngày 23/03/2022, doanh nghiệp cần lưu ý  một số trường hợp không được áp dụng việc giảm thuế GTGT như sau:

–       Trường hợp cơ sở kinh doanh ký hợp đồng cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ, đã lập hóa đơn tại thời điểm thu tiền trước ngày 01/07/2023 với thuế suất 10% nhưng dịch vụ hoàn thành trong thời gian từ ngày 01/07/2023 đến hết ngày 31/12/2023 thì đối với phần tiền đã lập hóa đơn trước ngày 01/07/2023 không thuộc trường hợp được áp dụng chính sách giảm thuế GTGT; đối với phần tiền còn lại chưa thanh toán, được lập hóa đơn từ ngày 01/07/2023 đến hết ngày 31/12/2023 theo quy định của pháp luật thì được áp dụng chính sách giảm thuế GTGT.

–       Trường hợp cơ sở kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc mức thuế suất 10% trước tháng 07/2023 nhưng đến tháng 07/2023 cơ sở kinh doanh mới lập hóa đơn đối với doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ phát sinh trước tháng 07/2023 thì thuộc trường hợp lập hóa đơn không đúng thời điểm và không thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT.

–       Đối với các hóa đơn đã lập trước ngày 01/07/2023 với thuế suất thuế GTGT 10%, sau ngày 01/07/2023 phát sinh các nội dung sai sót cần điều chỉnh về tiền hàng, thuế GTGT hoặc trả lại hàng thì hóa đơn điều chỉnh, hóa đơn trả lại hàng được lập với thuế suất thuế GTGT là 10%.

–       Đối với hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ đặc thù như cung cấp điện, cơ sở kinh doanh được giảm thuế GTGT theo quy định đối với các hóa đơn lập từ ngày 01/07/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

3. Rủi ro tiềm ẩn khi xác định sai thuế suất thuế GTGT được giảm đối với doanh nghiệp áp dụng tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ

Thực tế khi áp dụng giảm thuế GTGT theo quy định, doanh nghiệp phải đối mặt với những rủi ro khi xác định sai thuế suất thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ, dẫn đến bên bán xuất sai thuế suất thuế GTGT trên hóa đơn GTGT, đồng thời bên bán và bên mua kê khai sai thuế GTGT trên tờ khai thuế GTGT định kỳ, kê khai sai trên hồ sơ hoàn thuế GTGT (nếu có). Như vậy, doanh nghiệp sẽ có thể gặp phải một số rủi ro tiềm ẩn trong tương lai theo hai trường hợp sau:

3.1. Hàng hóa, dịch vụ áp dụng thuế suất thuế GTGT 8%, nhưng bên bán xuất hóa đơn 10%

Rủi ro cho bên bán: bên bán kê khai và nộp thuế GTGT với mức thuế suất đã ghi trên hóa đơn cao hơn quy định, bên bán sẽ không gặp rủi ro bị truy thu thuế, nhưng sẽ gặp rủi ro bị phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều Điều 12 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, với mức phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng đối với hành vi khai sai, khai không đầy đủ các chỉ tiêu trên tờ khai thuế, các phụ lục kèm theo tờ khai thuế nhưng không liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế.

Rủi ro cho bên mua: căn cứ quy định tại tiết b, khoản 5, điều 12, mục 2 thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn về thuế GTGT, trường hợp xác định được bên bán đã kê khai, nộp thuế theo đúng thuế suất ghi trên hóa đơn thì bên mua được khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất ghi trên hóa đơn nhưng phải có xác nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý người bán. Như vậy bên mua vẫn được khấu trừ thuế đối với phần chênh lệch 2% thuế suất thuế GTGT, nhưng phải có xác nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý người bán. 

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp được phép hoàn thuế GTGT theo quy định, sẽ có một số rủi ro:

–       Không được hoàn thuế GTGT tương ứng với phần chênh lệch 2% đối với hóa đơn đầu vào áp dụng sai thuế suất thuế GTGT, và
–       Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi khai sai không dẫn đến tăng số tiền thuế được hoàn trong hồ sơ hoàn thuế GTGT, hoặc
–       Phạt 20% số tiền đã được hoàn cao hơn so với quy định.

3.2. Hàng hóa, dịch vụ áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%, nhưng bên bán xuất hóa đơn 8%

Rủi ro cho bên bán: bên bán kê khai và nộp thuế GTGT với mức thuế suất quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT. Như vậy, doanh nghiệp có thể sẽ phải đối mặt với những rủi ro sau:

–       Truy thu phần thuế GTGT nộp thiếu
–       Phạt 20% số tiền thuế nộp thiếu
–       Phạt tiền lãi chậm nộp 0.03% * số ngày nộp chậm * số thuế bị nộp thiếu

Rủi ro cho bên mua: 

–       Đối với việc kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào, bên mua chỉ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo thuế suất ghi trên hóa đơn. 
–       Đối với doanh nghiệp được phép hoàn thuế GTGT theo quy đình, sẽ chỉ được hoàn thuế GTGT theo thuế suất ghi trên hóa đơn, và có rủi ro bị phạt vi phạm hành chính từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi khai sai không dẫn đến tăng số tiền thuế được hoàn trong hồ sơ hoàn thuế GTGT.

Như vậy, trong cả 2 trường hợp doanh nghiệp cần phải xác định chính xác thuế suất thuế GTGT áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ bán ra; đồng thời, kiểm tra thuế suất thuế GTGT đầu vào trên hóa đơn GTGT của của nhà cung cấp để hạn chế tối đa rủi ro trong tương lai.

Kết luận: Áp dụng giảm thuế GTGT đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn cần nguồn lực để phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19 toàn cầu. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần áp dụng một cách thận trọng để đảm bảo không làm phát sinh những rủi ro trong tương lai với khách hàng, nhà cung cấp, và bản thân doanh nghiệp khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra. 

Văn bản luật tham khảo:

–       Nghị định 44/2023/NĐ-CP
–       Nghị định 15/2022/NĐ-CP
–       Nghị định 123/2020/NĐ-CP
–       Nghị định 125/2020/NĐ-CP
–       Thông tư 219/2013/TT-BTC
–       Công văn số 2688/BTC-TCT ngày 23/03/2022
–       Công văn số 1647/TCT-CS ngày10/05/2023

 

Liên hệ nếu doanh nghiệp có
những nhu cầu liên quan đến báo cáo