ReportBáo cáo

  • Trang Chủ
  • Báo cáo
  • Kế toán - Thuế
  • Chính sách thuế TNCN đối với các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đóng tại nước ngoài

Chính sách thuế TNCN đối với các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đóng tại nước ngoài

2024/04/17

Các chuyên gia người nước ngoài khi được phái cử sang Việt Nam làm việc thông thường sẽ vẫn tiếp tục nhận lương tại Công ty mẹ ở nước ngoài, tham gia các khoản bảo hiểm tại nước ngoài như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Chi phí lương do Công ty mẹ ở nước ngoài chi trả có thể sẽ được bồi hoàn lại toàn bộ bởi Công ty Việt Nam. Vậy các khoản bảo hiểm tham gia tại nước ngoài này có được trừ khi tính thuế TNCN của các chuyên gia tại Việt Nam hay không? Trường hợp nào được trừ?

Qua bài viết này, chúng tôi xin trình bày quy định hiện hành tại Việt Nam về thuế TNCN liên quan đến các khoản bảo hiểm được trừ, thực tiễn thanh, kiểm tra và các hướng dẫn của Tổng cục thuế, cục thuế địa phương để quý khách hàng tiện tham khảo.

1. Các khoản bảo hiểm bắt buộc được giảm trừ khi tính thuế TNCN tại Việt Nam:

 Theo điểm a, khoản 2 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính quy định về các khoản giảm trừ khi tính thuế TNCN.

“2. Giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm, Quỹ hưu trí tự nguyện
a) Các khoản đóng bảo hiểm bao gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc.”

Như vậy, các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc được giảm trừ theo quy định tại Việt Nam cơ bản bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

2. Trường hợp được khấu trừ các khoản bảo hiểm bắt buộc đóng tại nước ngoài

Theo điểm c, khoản 2 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính quy định về các khoản bảo hiểm được giảm trừ đối với Người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam là cá nhân cư trú nhưng làm việc tại nước ngoài:

“c) Người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam là cá nhân cư trú nhưng làm việc tại nước ngoài có thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công ở nước ngoài đã tham gia đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định của quốc gia nơi cá nhân cư trú mang quốc tịch hoặc làm việc tương tự quy định của pháp luật Việt Nam như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộc và các khoản bảo hiểm bắt buộc khác (nếu có) thì được trừ các khoản phí bảo hiểm đó vào thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công khi tính thuế thu nhập cá nhân.

Cá nhân người nước ngoài và người Việt Nam có tham gia đóng các khoản bảo hiểm nêu trên ở nước ngoài sẽ được tạm giảm trừ ngay vào thu nhập để khấu trừ thuế trong năm (nếu có chứng từ) và tính theo số chính thức nếu cá nhân thực hiện quyết toán thuế theo quy định. Trường hợp không có chứng từ để tạm giảm trừ trong năm thì sẽ giảm trừ một lần khi quyết toán thuế.”

Theo quy định nên trên, các khoản bảo hiểm ở nước ngoài sẽ được giảm trừ khi tính thuế TNCN tại Việt Nam nếu thỏa điều kiện: (i) cá nhân đó có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở nước ngoài và (ii) các khoản đóng bảo hiểm ở nước ngoài là bắt buộc theo quy định của nước sở tại và tương tự các khoản bảo hiểm bắt buộc tại Việt Nam.

Theo đó, trường hợp chi phí lương của các chuyên gia được công ty mẹ ở nước ngoài chi trả và sau đó yêu cầu Công ty Việt Nam bồi hoàn toàn bộ sẽ có rủi ro không được trừ bảo hiểm liên quan khi tính toán và kê khai thuế TNCN cho các chuyên gia. Do trường hợp này, toàn bộ chi phí lương của chuyên gia sẽ do Công ty Việt nam chịu nên có thể bị kết luận chuyên gia đó không có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở nước ngoài theo điều kiện (i) để được trừ bảo hiểm bắt buộc tham gia ở nước ngoài. Mặc dù khái niệm tiền lương, tiền công ở nước ngoài; tiền lương, tiền công ở Việt Nam không được hướng dẫn rõ trong các văn bản pháp luật.

3. Thực tiễn thanh, kiểm tra thuế tại Việt Nam và các hướng dẫn của Tổng cục thuế, cục thuế địa phương

Qua các cuộc thanh, kiểm tra thuế chúng tôi tham gia hỗ trợ, đoàn thanh kiểm tra thuế đều đồng ý cho phép khấu trừ số bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã đóng tại nước ngoài khi tính thuế TNCN cho các chuyên gia cho trường hợp Công ty Việt Nam phải bồi hoàn 100% chi phí lương của các chuyên gia cho Công ty mẹ tại nước ngoài.

Việc cho phép khấu trừ các khoản bảo hiểm bắt buộc tại nước ngoài trường hợp toàn bộ tiền lương của chuyên gia nước ngoài được Công ty Việt Nam chịu và hoàn trả lại Công ty mẹ ở nước ngoài cũng được hướng dẫn bởi Công văn số 18572/CT-TTHT ngày 31/12/2020 của Cục thuế TP.HCM, cục thuế của Thành phố lớn nhất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ngày 29 tháng 12 năm 2023, Tổng Cục Thuế ban hành công văn số 6002/TCT-DNNCN hướng dẫn về việc không được giảm trừ các khoản bảo hiểm bắt buộc đã đóng ở nước ngoài khi tính thuế TNCN tại Việt Nam cho trường hợp chi phí lương của các chuyên gia được công ty mẹ ở nước ngoài chi trả và sau đó yêu cầu Công ty Việt Nam bồi hoàn toàn bộ.

Mặc dù Công văn của Tổng cục thuế không nói rõ lí do cụ thể, nhưng theo phán đoán của chúng tôi, Tổng cục thuế có lẽ cho rằng khoản tiền lương do Công ty Việt Nam chịu 100% nên không được xem xét là thu nhập từ tiền lương, tiền công ở nước ngoài. Hoặc khoản bảo hiểm tại nước ngoài không phải là khoản bảo hiểm bắt buộc vì Công ty tại Việt Nam đã bồi hoàn lại hết cho Công ty mẹ tại nước ngoài đối với phần tiền lương của các chuyên gia, tức bản chất các chuyên gia không có lương tại Công ty mẹ để tham gia bảo hiểm ở nước ngoài.

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, thông thường khi có hướng dẫn của Tổng cục thuế thì các cục thuế địa phương sẽ có xu hướng áp dụng theo trong thời gian tới, tức không cho trừ các khoản bảo hiểm tại nước ngoài trong trường hợp công ty mẹ tại nước ngoài yêu cầu Công ty tại Việt Nam bồi hoàn lại toàn bộ chi phí tiền lương đã trả cho các chuyên gia.

Do đó, quý khách hàng nên xem xét rủi ro về việc khấu trừ bảo hiểm đã nộp tại nước ngoài của các chuyên gia cho trường hợp 100% tiền lương được bồi hoàn lại Công ty mẹ bởi Công ty Việt Nam. Trường hợp cần thiết có thể xác nhận bằng văn bản với cơ quan thuế quản lý trước khi áp dụng.

Lời kết:

Trên đây, chúng tôi đã lưu ý về quy định, thực tiễn và một số văn bản hướng dẫn của Tổng cục thuế, cục thuế địa phương về các trường hợp được khấu trừ hoặc không được khấu trừ các khoản bảo hiểm bắt buộc đóng tại nước ngoài. Quý khách hàng có thể tham khảo để áp dụng theo quy định.

Văn bản tham khảo:

  • Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật thuế TNCN
  • Công văn số 18572/CT-TTHT ngày 31/12/2020 của Cục thuế TP.HCM hướng dẫn về chính sách thuế TNCN đối với các khoản bảo hiểm bắt buộc đóng tại nước ngoài
  • Công văn số 6002/TCT/DNNCN ngày 29/12/2023 của Tổng cục thuế hướng dẫn về chính sách thuế TNCN đối với các khoản bảo hiểm bắt buộc đóng tại nước ngoài

Liên hệ nếu doanh nghiệp có
những nhu cầu liên quan đến báo cáo