Thủ tục thực hiện và một số vấn đề cần lưu ý khi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
2025/06/26
- Le Thi Hang
Mở đầu
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế quan trọng hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế hàng năm của Việt Nam. Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực về việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng thúc đẩy sự phát triển mãnh mẽ của nền kinh tế. Một trong những mục tiêu hàng đầu của nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện đầu tư vào Việt Nam đó là tìm kiếm lợi nhuận. Khi doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, tạo ra lợi nhuận ổn định hàng năm cũng là lúc nhà đầu tư nước ngoài thu lại lợi nhuận từ vốn đầu tư của mình. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ khái quát lại một số vấn đề liên quan đến thủ tục thực hiện chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, và những lưu ý khi thực hiện.
1. Khái niệm lợi nhuận và lợi nhuận chuyển ra nước ngoài của doanh nghiệp
Theo kinh tế học, lợi nhuận là phần tài sản mà nhà đầu tư nhận thêm nhờ vào đầu tư sau khi đã trừ đi các chi phí liên quan đến khoản đầu tư đó, được xác định là phần chênh lệch giữa tổng doanh thu và tổng chi phí. Theo đó, lợi nhuận của doanh nghiệp được hiểu là phần chênh lệch giữa doanh thu và chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra để đạt được khoản doanh thu đó từ các hoạt động của doanh nghiệp trong một thời kỳ nhất định.
Theo điều 2, thông tư 186/2010/TT-BTC ngày 18 tháng 11 năm 2010 của Bộ Tài chính, lợi nhuận nhà đầu tư nước ngoài chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài là lợi nhuận hợp pháp được chia hoặc thu được từ các hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo Luật Đầu tư, sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định.
2. Điều kiện để chuyển lợi nhuận ra nước ngoài
Nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện thủ tục chuyển lợi nhuận ra nước ngoài hàng năm hoặc khi kết thúc hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam phải đảm bảo đồng thời các điều kiện sau:
・Doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật sau khi kết thúc năm tài chính.
・Doanh nghiệp đã nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán và tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm tài chính cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp.
・Trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài đầu tư của năm phát sinh lợi nhuận không còn số lỗ luỹ kế sau khi đã chuyển lỗ theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
3. Xác định lợi nhuận chuyển ra nước ngoài
Trước khi thực hiện việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, nhà đầu tư cần xác định được số lợi nhuận được chuyển theo quy định của pháp luật hiện hành. Căn cứ theo quy định đang có hiệu lực tại điều 3, thông tư 186/2010/TT-BTC, số tiền có thể chuyển ra nước ngoài được hiểu là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán, công thức chung để xác định số lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài hàng năm hoặc khi kết thúc đầu tư như sau:
Lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài |
= |
Lợi nhuận thu được của các năm tài chính đến thời điểm chuyển lợi nhuận (*) |
– |
Các khoản lợi nhuận đã được sử dụng để tái đầu tư, các khoản lợi nhuận đã chuyển ra nước ngoài trong quá trình hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam và các khoản đã sử dụng cho các chi tiêu khác của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. |
(*) Lợi nhuận thu được của các năm tài chính đến thời điểm chuyển lợi nhuận xác định theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán, tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư hoặc lợi nhuận sau khi kết thúc dự án (sau khi đã được thanh tra, kiểm tra).
4. Thủ tục thực hiện việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài
Khi nhà đầu tư quyết định chia lợi nhuận và thực hiện chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, nhà đầu tư và doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phải chuẩn bị hồ sơ để nộp cho cơ quan thuế và ngân hàng.
Thông thường, hồ sơ nộp cho cơ quan thuế và ngân hàng bao gồm các thành phần sau:
I. Hồ sơ để nộp cho cơ quan thuế:
(1) Thông báo về việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (Form mẫu theo thông tư 186/2010/TT-BTC).
(2) Giấy ủy quyền của nhà đầu tư nước ngoài cho doanh nghiệp được đầu tư thực hiện nộp hồ sơ (nếu nhà đầu tư nước ngoài ủy quyền cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục thông báo cho cơ quan thuế).
(3) Các tài liệu đính kèm khác để xác nhận số lợi nhuận chuyển ra nước ngoài như:
– Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn: Quyết định chia lợi nhuận của hội đồng thành viên (bản gốc), Nghị quyết của Nhà đầu tư (bản gốc).
– Đối với công ty Cổ phần: Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông về việc thực hiện chia lợi nhuận (bản gốc).
– Giải trình số liệu chi tiết về việc chuyển lợi nhuận (nếu cán bộ thuế yêu cầu).
– Báo cáo tài chính đã kiểm toán của năm/giai đoạn chuyển lợi nhuận (bản photo)
– Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp của năm/giai đoạn chuyển lợi nhuận (bản photo), thông báo chấp nhận tờ khai.
II. Hồ sơ để nộp cho ngân hàng:
(1) Thông báo về việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài đã có xác nhận của cơ quan thuế (bản photo).
(2) Các tài liệu đính kèm khác để xác nhận số lợi nhuận chuyển ra nước ngoài như:
– Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn: Quyết định chia lợi nhuận của hội đồng thành viên, Nghị quyết của Nhà đầu tư (bản gốc hoặc bản photo tùy từng ngân hàng).
– Đối với công ty Cổ phần: Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông về việc thực hiện chia lợi nhuận (bản gốc hoặc bản photo tùy từng ngân hàng).
– Báo cáo tài chính đã kiểm toán của năm/giai đoạn chia lợi nhuận (bản photo, tùy theo từng ngân hàng có thể sẽ yêu cầu báo cáo kiểm toán đã được công chứng).
– Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm/giai đoạn chia lợi nhuận (bản photo), thông báo chấp nhận tờ khai.
Sau khi nộp hồ sơ chuyển lợi nhuận cho cơ quan thuế, trong thời hạn 7 ngày làm việc, cán bộ thuế phụ trách sẽ liên hệ với doanh nghiệp xác nhận một số thông tin liên quan đến số liệu trên hồ sơ, trên báo cáo tài chính đã kiểm toán, thông báo số thuế còn nợ trên hệ thống thuế (nếu có), xác nhận số lợi nhuận đã chuyển các kỳ trước, …
Nếu doanh nghiệp đáp ứng điều kiện chuyển lợi nhuận theo quy định, cơ quan thuế sẽ không ban hành thông báo, hay xác nhận về việc doanh nghiệp đủ điều kiện chuyển lợi nhuận. Sau 7 ngày làm việc kể từ ngày nộp thông báo chuyển lợi nhuận cho cơ quan thuế, ngân hàng tự động cho phép doanh nghiệp chuyển lợi nhuận nếu không nhận được thông báo về việc doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện chuyển lợi nhuận từ cơ quan thuế.
Trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện chuyển lợi nhuận vì các vấn đề như số lợi nhuận chuyển lớn hơn lợi nhuận lũy kế trên báo cáo tài chính, còn nợ thuế theo hệ thống thuế, cần bổ sung hồ sơ… Cơ quan thuế sẽ gửi thông báo bằng văn bản đến doanh nghiệp và ngân hàng nơi doanh nghiệp dự kiến thực hiện giao dịch chuyển lợi nhuận ra nước ngoài về việc doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, đồng thời yêu cầu Doanh nghiệp khắc phục các điều kiện chưa đáp ứng hoặc bổ sung hồ sơ.
5. Một số lưu ý khi thực hiện chuyển lợi nhuận ra nước ngoài
Trong thực tế khi thực hiện thủ tục này, doanh nghiệp thường gặp phải một số vướng mắc khi thực hiện. Dưới đây là một số điểm lưu ý cho các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục với các cơ quan liên quan:
I. Chuẩn bị trước để chuyển tiền nhanh chóng
Để việc chuyển tiền lợi nhuận được thực hiện nhanh chóng, doanh nghiệp nên làm xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế quản lý trước khi nộp hồ sơ chuyển lợi nhuận.
Nếu cơ quan thuế xác nhận không có nợ thuế, thì doanh nghiệp có thể tiến hành nộp hồ sơ chuyển lợi nhuận lên cơ quan thuế quản lý.
Nếu cơ quan thuế có thông báo về việc doanh nghiệp vẫn còn nợ thuế, thì doanh nghiệp cần làm việc với cơ quan thuế để xử lý các khoản nợ thuế trước. Sau khi xử lý xong khoản nợ thuế, doanh nghiệp mới nộp hồ sơ chuyển lợi nhuận lên cho cơ quan thuế. Mẫu văn bản đề nghị xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế và thủ tục thực hiện xác nhận nghĩa vụ thuế sẽ được thực hiện theo điều 70 của Thông tư 80/2021/TT-BTC ngày 29/09/2021 của Bộ Tài Chính.
II. Lưu ý liên quan đến giấy ủy quyền
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài ủy quyền cho doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư thực hiện thông báo về việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài lên cơ quan thuế, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị thêm giấy ủy quyền của nhà đầu tư nước ngoài cho doanh nghiệp.
Trước đây, cơ quan thuế không đưa ra yêu cầu phải thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự đối với giấy ủy quyền này. Nhưng gần đây, một số doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục đã nhận được thông báo của cơ quan thuế về việc phải thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự giấy ủy quyền theo quy định chung tại khoản 2, điều 4, nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ. Cũng theo quy định của nghị định này, giấy ủy quyền của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc trường hợp được miễn thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự ở Việt Nam. Đây là một yêu cầu mới đáng chú ý phát sinh từ cơ quan thuế, doanh nghiệp lưu ý nên tham khảo ý kiến của cán bộ thuế quản lý về yêu cầu này khi chuẩn bị hồ sơ.
III. Ghi rõ loại tiền tệ và tỷ giá hối đoái
Lợi nhuận chuyển ra nước ngoài có thể bằng tiền hoặc bằng hiện vật. Thông thường, các doanh nghiệp thực hiện chuyển lợi nhuận ra nước ngoài bằng tiền ngoại tệ. Do vậy, trường hợp chuyển bẳng tiền ngoại tệ, doanh nghiệp nên ghi rõ tỷ giá sử dụng để quy đổi số lợi nhuận chuyển ra nước ngoài từ tiền Việt Nam đồng sang đồng ngoại tệ trên quyết định chia lợi nhuận.
IV. Khả năng bị yêu cầu bổ sung hồ sơ
Cơ quan thuế hoặc ngân hàng có thể sẽ yêu cầu doanh nghiệp bổ sung thêm tài liệu có liên quan khi thực hiện thủ tục tùy từng trường hợp (tài liệu đính kèm có thể chưa được nêu ra ở mục 4 của bài viết này). Do vậy, trước khi nộp hồ sơ lên cơ quan thuế, nộp hồ sơ cho ngân hàng, doanh nghiệp nên trao đổi trước với người phụ trách các tài liệu cần thiết đính kèm hồ sơ.
Kết luận:
Việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài là một thủ tục không quá phức tạp nhưng chịu sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, doanh nghiệp khi có kế hoạch chuyển lợi nhuận ra nước ngoài cần phải xem xét quy định hiện hành, chuẩn bị trước hồ sơ và nên trao đổi trước với cán bộ thuế quản lý, cán bộ ngân hàng phụ trách để được hướng dẫn cụ thể về thủ tục và hồ sơ để giảm thiểu thời gian thực hiện.
Văn bản luật tham khảo:
・Luật doanh nghiệp 2020
・Luật quản lý thuế 2019
・Nghị định số 111/2011/NĐ-CP
・Thông tư 186/2010/TT-BTC
・Thông tư 80/2021/TT-BTC