ReportBáo cáo

Các loại trách nhiệm về bồi thường thiệt liên quan đến lao động

2025/04/08

  • Phan Manh Hung

Mở đầu:
Trong lĩnh vực lao động, trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một trong những nội dung quan trọng được quy định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả người lao động (“NLĐ”) và người sử dụng lao động (“NSDLĐ”). Đây là cơ chế nhằm đảm bảo sự công bằng, góp phần duy trì trật tự và ổn định trong mối quan hệ lao động. Trên cơ sở pháp luật hiện hành, bài báo cáo này sẽ hệ thống hóa các loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại chủ yếu trong lao động.

1. Khái niệm “Bồi thường thiệt hại” trong lĩnh vực lao động:

Trong mỗi lĩnh vực, quy định về bồi thường thiệt hại có sự khác biệt về chủ thể, mức độ, hình thức áp dụng. Trong quan hệ lao động, mặc dù không được định nghĩa tuy nhiên bồi thường thiệt hại có thể được hiểu là sự bù đắp hoặc đền bù những tổn thất, thiệt hại của NSDLĐ hoặc NLĐ khi có hành vi có lỗi của một bên với bên còn lại. Dựa trên đối tượng bị xâm phạm, tác giả đang phân chia trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong lao động thành 03 nhóm:
(i) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại liên quan đến tính mạng, sức khỏe của NLĐ;
(ii) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại liên quan đến vi phạm hợp đồng; và
(iii) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất.

Phần dưới đây sẽ trình bày chi tiết từng nhóm trách nhiệm bồi thường thiệt hại này theo quy định pháp luật lao động hiện hành.

2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại liên quan đến tính mạng, sức khỏe của NLĐ

Trong quá trình lao động, tính mạng và sức khỏe của NLĐ là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường và điều kiện làm việc. Nhằm bù đắp những thiệt hại về sức khỏe, tính mạng mà NLĐ có thể phải gánh chịu, pháp luật lao động đã có quy định trách nhiệm bồi thường đối với NSDLĐ nếu NLĐ bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Cụ thể như sau:

Trường hợp Trường hợp phải bồi thường Mức bồi thường
TH 1 –  NLĐ bị tai nạn lao động không hoàn toàn do lỗi của NLĐ hoặc NLĐ bị bệnh nghề nghiệp; và;
–  NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên đến 80%.
–  Suy giảm khả năng lao động từ 5%-10%: Ít nhất 1.5 tháng lương.
–  Suy giảm khả năng lao động từ 11%- 80%: 1,5 tháng lương + {(a – 10) x 0,4} tháng lương.(a: Tỷ lệ % suy giảm khả năng lao động)
TH 2 –  NLĐ bị tai nạn lao động không hoàn toàn do lỗi của NLĐ hoặc NLĐ bị bệnh nghề nghiệp; và;
–  NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc bị chết.
Ít nhất 30 tháng lương

3. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng:

Hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt, huỷ bỏ quyền, nghĩa vụ của các bên. Theo đó, hợp đồng lao động là loại hợp đồng chính yếu được xác lập giữa NSDLĐ và NLĐ nhằm điều chỉnh quan hệ lao động giữa hai bên. Trong đó, pháp luật lao động có những quy định về trách nhiệm bồi thường xoay quanh loại hợp đồng này.

Theo đó, NSDLĐ hoặc NLĐ có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bên còn lại nếu có hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Mục đích của quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên, vì hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật có thể gây thiệt hại, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bên kia. Chẳng hạn, NLĐ có thể mất đi nguồn thu nhập chính đáng và quyền được làm việc từ HĐLĐ. Cụ thể, chế định bồi thường liên quan đến hành vi chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật như sau:

Chủ thể bồi thường Trường hợp phải bồi thường Quy định về mức bồi thường
NSDLĐ NSDLĐ có một trong các hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật như:
(i) Đơn phương chấm dứt HĐLĐ không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 36.1, BLLĐ 2019;
(ii) Không đảm bảo thời hạn báo trước luật định cho NLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ
(iii) Đơn phương chấm dứt HĐLĐ mặc dù thuộc trường hợp ngoại lệ không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ quy định tại Điều 37, BLLĐ 2019
Các khoản bồi thường bao gồm:
(i)  Tiền lương, tiền đóng các loại bảo hiểm bắt buộc trong những ngày NLĐ không được làm việc và một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo HĐLĐ;
(ii) Một khoản tiền ít nhất 02 tháng tiền lương theo HĐLĐ (Trường hợp NLSDLĐ không muốn nhận lại NLĐ và NLĐ đồng ý); và
(iii) Một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo HĐLĐ trong những ngày không báo trước nếu NSDLĐ vi phạm quy định về thời hạn báo trước.
NLĐ NLĐ có một trong các hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, cụ thể NLĐ không đảm bảo thời hạn báo trước luật định cho NSDLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Bồi thường cho NSDLĐ một nửa tháng tiền lương theo HĐLĐ và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo HĐLĐ trong những ngày không báo trước.

4. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất là một trong những quy định mà nhiều người NSDLĐ quan tâm và chú trọng. Bởi lẽ, xuyên suốt trong quá trình sử dụng lao động, NSDLĐ sẽ thực hiện bàn giao cho NLĐ các dụng cụ, thiết bị, vật tư, hay cụ thể là bàn giao tài sản của NSDLĐ cho NLĐ. Do đó, cần thiết có quy định cụ thể để xử lý nếu xảy ra tình huống NLĐ làm hư hỏng, làm mất tài sản hoặc tiêu hao vật tư quá định mức. Theo quy định của BLLĐ 2019, bồi thường thiệt hại trong tình huống này còn gọi là “trách nhiệm vật chất”, được áp dụng trong những trường hợp nhất định để khắc phục hậu quả và bảo vệ quyền lợi của NSDLĐ. Theo đó, NLĐ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu thuộc các trường hợp sau:

Trường hợp phải bồi thường Mức bồi thường
NLĐ làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản –  Theo quy định pháp luật hoặc quy định Nội quy lao động của NSDLĐ.
–  Bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại Điều 102.3, Bộ luật Lao động nếu thiệt hại không nghiêm trọng (thiệt hại có giá trị ≤ 10 tháng lương tối thiểu vùng) do NLĐ sơ suất.
NLĐ làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của NSDLĐ hoặc tài sản khác do NSDLĐ giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép Phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc Nội quy lao động của NSDLĐ hoặc hợp đồng trách nhiệm (nếu có).

Tuy nhiên, NLĐ có thể không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất nếu thuộc các trường hợp như thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh nguy hiểm, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan mà NLĐ không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù NLĐ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Mặc dù quy định bồi thường thiệt hại vật chất đã được quy định tại BLLĐ, tuy nhiên trên thực tế, nhiều NSDLĐ gặp nhiều khó khăn như không thể yêu cầu NLĐ bồi thường vì không quy định hoặc quy định không rõ ràng mức bồi thường vật chất tại Nôi quy lao động. Do đó, NSDLĐ nên cụ thể hóa mức bồi thường hoặc cơ chế xác định mức bồi thường tại Nội quy lao động như bồi thường toàn bộ hay chỉ một phần; bồi thường theo giá trị thị trường hay giá trị khấu hao còn lại của tài sản ghi nhận theo sổ sách kế toán, v.v. để từ đó, NSDLĐ có cơ sở rõ ràng xác định mức trách nhiệm vật chất với NLĐ.

Kết bài:
Những trách nhiệm bồi thường thiệt hại được đề cập phía trên không những giúp NSDLĐ bảo vệ quyền lợi của mình và thực hiện đúng quy định pháp luật mà còn giúp NSDLĐ hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của NLĐ để có thể hướng dẫn, định hướng NLĐ tham gia quan hệ lao động đúng quy định pháp luật, từ đó góp phần xây dựng môi trường làm việc hài hòa, ổn định.

Căn cứ pháp lý:
–  Điều 38, Luật an toàn vệ sinh lao động 2015;
–  Điều 3, Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH;
–  Điều 35, 36, 37, 39, 40 41, 62 và 129 Bộ luât lao động 2019.

Liên hệ nếu doanh nghiệp có
những nhu cầu liên quan đến báo cáo