ReportBáo cáo

Giải thích những điểm thay đổi chính về thuế và kế toán ở Việt Nam năm 2025

2025/06/26

  • Bui Thi Hang

1. Luật thuế giá trị gia tăng

Ngày 26 tháng 11 năm 2024, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế Giá Trị Gia Tăng số 48/2024/QH15. Luật này sẽ thay thế Luật Thuế Giá Trị Gia Tăng năm 2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.

Các điểm sửa đổi chính như sau:

(1) Mở rộng phạm vi đối tượng nộp thuế
Bổ sung thêm đối tượng nộp thuế mới như dưới đây

Đối tượng Nội dung cụ thể
Doanh nghiệp nước ngoài Là tổ chức kinh doanh không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua sàn thương mại điện tử hoặc nền tảng số.
Đơn vị quản lý nền tảng,sàn giao dịch thương mại điện tử Là đơn vị thực hiện khấu trừ và nộp thuế thay cho doanh nghiệp nước ngoài nêu trên hoặc cá nhân hoạt động trên nền tảng số hoặc sàn thương mại điện tử.

(2) Rà soát lại phạm vi áp dụng thuế suất 0%
Thuế suất 0% vẫn được duy trì đối với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, đối với việc cung cấp cho các tổ chức trong khu vực phi thuế quan, điều kiện mới được bổ sung là hoạt động này phải liên quan trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu.

(3) Rà soát lại đối tượng áp dụng thuế suất 5%
Một số ngành nghề, bao gồm dịch vụ liên quan đến điện ảnh, đã bị loại khỏi danh sách áp dụng thuế suất 5%. Đồng thời, một số mặt hàng như sản phẩm phân bón, tàu cá và máy móc nông nghiệp trước đây không chịu thuế, nay được phân loại lại và áp dụng thuế suất 5%.

(4) Yêu cầu mới về phương thức thanh toán để được khấu trừ thuế
Để được khấu trừ thuế GTGT, việc thanh toán không dùng tiền mặt được quy định là nguyên tắc cơ bản. Việc thanh toán bằng tiền mặt có thể vẫn được chấp nhận trong một số trường hợp nhất định, tuy nhiên hạn mức thanh toán dự kiến sẽ được giảm xuống so với mức hiện tại là 20 triệu đồng.
Hạn mức cụ thể sẽ được qui định tại Nghị định và thông tư hướng dẫn cho Luật và dự kiến sắp được ban hành trong thời gian tới.

(5) Rà soát lại chế độ hoàn thuế GTGT
Trước đây, việc hoàn thuế với đầu tư thiết bị cho dự án mới đã được chấp thuận. Tuy nhiên hoàn thuế đối với dự án đầu tư mở rộng không được chấp thuận.
Với quy định sửa đổi lần này, dự án đầu tư mở rộng thoả mãn các điều kiện của pháp luật cũng sẽ là đối tượng được hoàn thuế. Thời hạn nộp hồ sơ hoàn thuế là trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành dự án đầu tư, hoặc từng giai đoạn/hạng mục của dự án đó.
Ngoài ra, các quy định liên quan đến hoàn thuế GTGT trong trường hợp thay đổi quyền sở hữu doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình kinh doanh, sáp nhập, hợp nhất, chia tách hoặc tách doanh nghiệp sẽ chính thức bị bãi bỏ.

2. Làm rõ quy định về thời điểm lập hóa đơn

Theo Nghị định số 70/2025/NĐ-CP được ban hành ngày 20 tháng 3 năm 2025, các quy định hiện hành liên quan đến hóa đơn và chứng từ đã được sửa đổi và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2025.
Nghị định này làm rõ các quy định liên quan đến thời điểm lập hóa đơn, với những nội dung chính như sau:

Loại giao dịch Thời điểm xuất hóa đơn
Bán hàng hóa Thời điểm chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng cho người mua (không phụ thuộc vào việc đã nhận được thanh toán hay chưa)
Giao dịch xuất khẩu Chậm nhất là ngày làm việc tiếp theo sau ngày hoàn thành thủ tục hải quan
Cung cấp dịch vụ Thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ (bao gồm cả cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân nước ngoài) không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: Kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).”
Giao hàng nhiều lần Phải lập hóa đơn riêng cho từng lần giao hàng
Hoạt động casino, trò chơi điện tử có thưởng, v.v. Phải lập hóa đơn chậm nhất vào ngày tiếp theo sau ngày ghi nhận doanh thu

3. Làm rõ tiêu chí tạm hoãn xuất cảnh/nhập cảnh

Ngày 28 tháng 2 năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2025/NĐ-CP quy định về tiêu chí tạm hoãn xuất nhập cảnh, và nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Nghị định cho phép áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người nộp thuế hoặc người đại diện của họ trong trường hợp có nghĩa vụ thuế chưa hoàn thành và đáp ứng một số điều kiện nhất định.

(1) Cá nhân kinh doanh, người đại diện hộ kinh doanh

Điều kiện Chi tiết
Số tiền thuế chưa nộp  Từ 50 triệu VND trở lên (khoảng 300,000 yên)
Thời gian quá hạn Quá 120 ngày kể từ ngày đến hạn nộp thuế

(2) Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp

Điều kiện Chi tiết
Số tiền thuế chưa nộp  Từ 500 triệu VND trở lên (khoảng 3,000,000 yên)
Thời gian quá hạn Quá 120 ngày kể từ ngày đến hạn nộp thuế
Các điều kiện khác Trường hợp thuộc diện cưỡng chế thi hành theo Điều 124 của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14

※Điều 124 của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 là gì?
Là tình trạng đã bắt đầu thực hiện cưỡng chế thi hành để thu hồi nghĩa vụ thuế, chẳng hạn như kê biên tài sản, v.v.

(3) Cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký

Điều kiện Chi tiết
Cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký  Trường hợp có nợ thuế (không phân biệt số tiền và thời gian)

(4) Xem xét bổ sung đối với những người xuất cảnh đặc biệt

Điều kiện Chi tiết
Người xuất cảnh với mục đích di cư ra nước ngoài (quốc tịch Việt Nam), Người có quốc tịch Việt Nam đã định cư ở nước ngoài, Người nước ngoài trước khi xuất cảnh khỏi Việt Nam  Trường hợp có nợ thuế (không phân biệt số tiền và thời gian)

※ “Nợ thuế” bao gồm không chỉ tiền thuế gốc mà còn cả tiền phạt và tiền chậm nộp.
Thông báo đến đối tượng liên quan sẽ được gửi qua ứng dụng etaxmobile, trang web giao dịch điện tử (https://thuedientu.gdt.gov.vn), hoặc qua địa chỉ email đã đăng ký. Nếu không thể gửi thông báo trực tiếp từ cơ quan thuế, thông báo sẽ được đăng tải trên trang web chính thức của cơ quan thuế. Người nộp thuế nên kiểm tra nghĩa vụ thuế của mình định kỳ, đặc biệt là trước khi xuất cảnh để xác nhận có nợ thuế hay không.

4. Những sửa đổi dự kiến công bố về thuế và kế toán trong thời gian tới

Từ năm 2025 trở đi, Việt Nam dự kiến sẽ công bố nhiều sửa đổi và nghị định mới liên quan đến hệ thống thuế và kế toán, và các doanh nghiệp cần nắm bắt được xu hướng này. Dưới đây là những quy định chính dự kiến sẽ được công bố hoặc thông qua trong thời gian tới.

(1) Sửa đổi Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp (dự kiến có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2026)
Dự thảo sửa đổi này dự kiến sẽ được thảo luận và thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 9 vào tháng 5 năm 2025. Mặc dù chi tiết về nội dung sửa đổi chưa được công bố, nhưng dựa trên xu hướng thuế toàn cầu trong những năm gần đây, có thể sẽ có sự điều chỉnh các chính sách ưu đãi thuế và các nội dung phù hợp với yêu cầu đồng bộ hóa quốc tế.

(2) Sửa đổi Luật Thuế Thu nhập Cá nhân (dự kiến có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2027)
Dự kiến sẽ được trình lên Quốc hội vào tháng 10 năm 2025 và sau khi được thông qua vào tháng 5 cùng năm, sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2027. Các vấn đề sẽ được thảo luận bao gồm việc xem xét lại các phân loại thu nhập, chế độ miễn giảm thuế và cấu trúc thuế suất, dự kiến sẽ có tác động lớn đến hệ thống hiện hành.

(3) Nghị định về việc đối phó với hiện tượng xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (BEPS)
Để đáp ứng với “Thuế tối thiểu toàn cầu” của OECD, hệ thống thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung dự kiến sẽ được áp dụng dựa trên Nghị quyết số 107/2023/QH15 của Quốc hội ngày 29 tháng 11 năm 2023. Nghị định này ban đầu dự kiến sẽ được công bố trong năm 2024, nhưng do điều chỉnh, dự kiến sẽ được hoãn đến năm 2025. Theo đó, các doanh nghiệp đa quốc gia sẽ phải áp dụng mức thuế suất thực tế tối thiểu là 15%.

(4) Nghị định về việc áp dụng Luật Thuế Giá trị gia tăng số 48/2024/QH15 (dự kiến công bố trước tháng 7 năm 2025)
Dự kiến sẽ có hướng dẫn thực tế cho Luật Thuế Giá trị gia tăng mới sẽ có hiệu lực từ tháng 7 năm 2025. Nghị định bổ sung này sẽ quy định cụ thể về phạm vi áp dụng thuế suất, yêu cầu hoàn thuế, giải thích các giao dịch không chịu thuế, và những nội dung chi tiết cần thiết cho các doanh nghiệp trong quá trình thực thi chính sách vì vậy đề nghị nên có sự chuẩn bị và xác nhận trước.

(5) Dự thảo Nghị quyết về việc tiếp tục giảm thuế VAT
Hiện tại, theo Nghị quyết số 174/2024/QH15, thuế suất VAT đối với một số mặt hàng và dịch vụ đã được giảm từ 10% xuống 8% trong thời gian đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2025. Chính phủ đã đề xuất gia hạn việc giảm thuế này đến hết năm 2026, và dự thảo nghị quyết đã được trình lên Quốc hội vào ngày 23 tháng 4 năm 2025. Nếu nghị quyết này được thông qua, việc giảm thuế sẽ tiếp tục trong hai năm liên tiếp, điều này sẽ tiếp tục có ảnh hưởng đến công tác quản lý doanh thu và phát hành hóa đơn.

(6)  Sửa đổi toàn diện hệ thống kế toán doanh nghiệp (thời gian công bố chưa xác định)
Bộ Tài chính đã công bố dự thảo thông tư mới thay thế Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 “Hướng dẫn hệ thống kế toán doanh nghiệp”. Thông tư mới này sẽ thúc đẩy việc tuân thủ từng bước theo chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS), và các doanh nghiệp sẽ cần thực hiện các biện pháp thực tế về kế toán và công bố báo cáo tài chính. Mặc dù dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2025, nhưng sau khi lấy ý kiến và sửa đổi, thời gian công bố có thể bị lùi lại đến cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026. Ban đầu, thông tư này sẽ áp dụng cho các doanh nghiệp lớn, tuy nhiên, trong dài hạn, nó có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Văn bản luật tham khảo
・Luật Thuế Giá trị gia tăng số 48/2024/QH15
・Nghị định số 70/2025/NĐ-CP
・Nghị định số 49/2025/NĐ-CP

 

Liên hệ nếu doanh nghiệp có
những nhu cầu liên quan đến báo cáo