THÁNG 3 NĂM 2014

Bản tiếng Nhật (PDF)Bản tiếng Nhật (PDF) Bản tiếng Việt (PDF)Bản tiếng Việt (PDF)

Quý khách hàng có thể sử dụng file PDF bên tay phải để lưu trữ và in ấn bản tin.
Cần phiên bản Adobe Reader cập nhật mới nhất

Mục lục

1. THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG (“GTGT”)

Hướng dẫn về phương pháp tính thuế đối với doanh nghiệp mới thành lập

Theo hướng dẫn của điều 13 tại Thông tư 219/2013/TT-BTC hiệu lực từ ngày 01/01/2014, các doanh nghiệp mới thành lập từ năm 2014 phải kê khai nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trừ một số trường hợp được phép đăng ký áp dụng phương pháp khấu trừ quy định tại điểm c, khoản 3, điều 12 :

“ Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có thực hiện đầu tư, mua sắm tài sản cố định, máy móc, thiết bị có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên ghi trên hóa đơn mua tài sản cố định, máy móc, thiết bị, kể cả hóa đơn mua tài sản cố định, máy móc, thiết bị trước khi thành lập (không bao gồm ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống của cơ sở kinh doanh không hoạt động vận tải, du lịch, khách sạn); tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ.

…..
Cơ sở kinh doanh hướng dẫn tại điểm b, c khoản này phải gửi Thông báo về việc áp dụng phương pháp tính thuế tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp cùng với hồ sơ đăng ký thuế.”

Căn cứ tình hình thực tế cũng như báo cáo phản hồi của các cục thuế địa phương ngày 26/03/2014 BTC đã ban hành công văn số 3975/BTC-TCT hướng dẫn về phương pháp tính thuế đối với doanh nghiệp mới thành lập. Theo đó, các doanh nghiệp mới thành lập từ 01/01/2014 đến 28/02/2014 thuộc các trường hợp sau thì được áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT:

  • Doanh nghiệp đã có văn bản đăng ký áp dụng phương pháp khấu trừ thuế và được cơ quan thuế chấp nhận.
  • Doanh nghiệp đã đặt in, thông báo phát hành và sử dụng hóa đơn GTGT.

Đối với các doanh nghiệp thành lập sau thời gian trên thì thực hiện theo hướng dẫn tại thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Hiện có hai phương pháp tính thuế GTGT là trực tiếp và khấu trừ.

*Phương pháp trực tiếp trên GTGT:
Số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu

*Phương pháp khấu trừ thuế:
Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra - Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Doanh nghiệp cần tham khảo ý kiến của chuyên gia để lựa chọn phương pháp tính thuế có lợi cho doanh nghiệp.

2. THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP (“TNDN”)

Một số điểm lưu ý về thuế TNDN năm 2013

Ngày 17/03/2014 Tổng Cục thuế đã có thông tin lưu ý các doanh nghiệp về chính sách thuế TNDN năm 2013.

  • Các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN:
    • Chi khấu hao TSCĐ: doanh nghiệp cần lưu ý tiêu chuẩn mới khi ghi nhận TSCĐ theo Thông tư 45/2013 (nguyên giá từ 30.000.000 đồng trở lên)

      Đối với các TSCĐ không đủ tiêu chuẩn về nguyên giá TSCĐ như trên thì giá trị còn lại của các tài sản này được phân bổ vào chi phí sản xuất kinh doanh không quá 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành của Thông tư 45/2013/TT-BTC (ngày 10/06/2013).

    • Tiền ăn giữa ca: không quá 680.000 đồng/người/tháng nếu chi bằng tiền.
    • Tiền điện thoại cho người lao động:
      • Tính vào chi phí được trừ nếu khoản chi này được áp dụng theo quy chế tài chính của DN và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp mang tên, địa chỉ và mã số thuế của doanh nghiệp.
      • Trường hợp khoán chi tiền điện thoại và đã được quy định cụ thể tại hợp đồng lao động: được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Đồng thời được xác định là thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.
    • Chi trang phục: không quá 5.000.000 đồng/người/năm (nếu chi bằng hiện vật phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp).
    • Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm:
      • Năm 2013, doanh nghiệp không được trích lập quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm
      • Khi phát sinh chi trợ cấp mất việc làm doanh nghiệp hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
  • Thuế suất thuế TNDN:
    • Thuế suất thuế TNDN phổ thông là 25%.
    • Đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng thì được áp dụng thuế suất thuế TNDN 20% kể từ ngày 01/07/2013.
  • Hồ sơ kê khai quyết toán thuế TNDN năm 2013:
    • Hồ sơ quyết toán thuế TNDN năm 2013 vẫn thực hiện như hồ sơ quyết toán thuế TNDN năm 2012. (dùng mẫu biểu theo Thông tư 28/2011/TT-BTC).
    • Lưu ý doanh nghiệp thuộc đối tượng bắt buộc phải kiểm toán thì khi nộp hồ sơ quyết toán thuế TNDN năm 2013 cho cơ quan thuế phải nộp kèm báo cáo tài chính năm 2013 đã có kiểm toán.
    • Đối với doanh nghiệp có thu nhập được áp dụng thuế suất 20% từ ngày 01/07:
      • Doanh nghiệp tự xác định thu nhập chịu thuế theo hai thời điểm: từ 01/01 – 30/06 áp dụng thuế suất 25%; từ 01/07 – 31/12 áp dụng thuế suất 20%.
      • Doanh nghiệp tự tính ra số thuế phải nộp và ghi vào tờ khai 03/TNDN.

Tại ứng dụng HTKK: mẫu biểu vẫn giữ nguyên như Thông tư 28/2011, tuy nhiên chỉ tiêu C7 “Thuế TNDN từ hoạt động SXKD tính theo thuế suất phổ thông” ứng dụng cho phép sửa số liệu.

(Nguồn: Website Tổng Cục thuếwww.gdt.gov.vn)

3. HÓA ĐƠN

Thông báo về việc ngưng sử dụng hóa đơn xuất khẩu

Ngày 18/03/2014 Cục thuế Bình Dương ban hành công văn số 3123/CT-HC-QT-TV-AC thông báo về việc ngưng sử dụng hóa đơn xuất khẩu.

Theo đó:

  • Từ ngày 01/03/2014 khi xuất khẩu hàng hóa, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài, xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được xem như xuất khẩu, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng.
  • Đối với hóa đơn xuất khẩu không tiếp tục sử dụng, doanh nghiệp tiến hành thủ tục hủy hóa đơn theo quy định tại Điều 27 Thông tư 64/2013/TT-BTC ngày 15/05/2013 của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, được biết cục thuế Long An và cục thuế Đồng Nai cũng đã có hướng dẫn tương tự như trên. (nguồn : website cục thuế Long An, cục thuế Đồng Nai)

4. VẤN ĐỀ KHÁC

Luật Việc làm số 38/2013/QH13 sửa đổi quy định về Bảo hiểm thất nghiệp

Ngày 16/11/2013, Quốc hội ban hành Luật Việc làm số 38/2013/QH13 sửa đổi về đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), điều kiện hưởng, mức hưởng, và các chế độ BHTN.

Theo đó :

  • Luật mới bổ sung thêm đối tượng bắt buộc tham gia BHTN là người lao động có hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ đủ 3 đến dưới 12 tháng.
  • Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp khác nhau tùy thuộc thời hạn ký kết HĐLĐ
    • Nếu làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn và thời hạn từ đủ 12 tháng: thời gian đóng BHTN phải từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ.
    • Nếu làm việc theo HĐLĐ từ đủ 3 đến dưới 12 tháng: thời gian đóng BHTN phải từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ.
  • Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng.
  • Mức đóng BHTN không thay đổi: 1% từ người lao động và 1% từ người sử dụng lao động.
    Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015.
Công khai thông tin các tổ chức, cá nhân kinh doanh có dấu hiệu rủi ro về thuế

Vừa qua Tổng cục Thuế đã có yêu cầu Cục thuế các tỉnh, thành phố thực hiện công khai thông tin tổ chức, cá nhân kinh doanh có dấu hiệu rủi ro về thuế. Đây là một trong các hoạt động của Tổng cục thuế nhằm thực hiện nhiệm vụ tập trung tăng cường quản lý doanh nghiệp (DN) có rủi ro cao về thuế trong năm 2014.

Cụ thể sẽ có 2 đối tượng thuộc diện công khai thông tin vi phạm pháp luật về thuế như sau:

  • Người nộp thuế đã có các hành vi vi phạm pháp luật về thuế như: trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, mua bán hoá đơn bất hợp pháp, làm mất hoá đơn, từ chối không cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan quản lý thuế, không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra, ngăn cản công chức thuế, hải quan thi hành công vụ….
  • Người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế như: các bên kinh doanh quan hệ liên kết có dấu hiệu bất thường, chậm nộp hồ sơ khai thuế từ 90 ngày…

Đối với các đối tượng thuộc diện công khai nêu trên, cơ quan thuế sẽ công bố các thông tin như:

  • Tên người nộp thuế, mã số thuế, địa chỉ đăng ký kinh doanh, ngành nghề kinh doanh.
  • Họ tên, số chứng minh nhân dân của người đại diện theo pháp luật,
  • Số lượng DN mà người đại diện theo pháp luật đang làm đại diện.
  • Danh sách các thành viên góp vốn.
  • Các hành vi hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế của DN.

Các thông tin về DN có rủi ro về thuế sẽ được đăng tải trên trang điện tử của Tổng cục Thuế; trang tra cứu về hoá đơn của Tổng cục Thuế.