NGÀY 30 THÁNG 9 NĂM 2013

Bản tiếng Nhật (PDF)Bản tiếng Nhật (PDF) Bản tiếng Việt (PDF)Bản tiếng Việt (PDF)

Quý khách hàng có thể sử dụng file PDF bên tay phải để lưu trữ và in ấn bản tin.
Cần phiên bản Adobe Reader cập nhật mới nhất

Mục lục

1. THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP (“TNDN”)

1.
Xử lý về thuế TNDN trong trường hợp số giờ làm thêm vượt quá giới hạn quy định

Ngày 20/08/2013 Cục thuế tỉnh Bình Dương ban hành công văn 9771/CT-TT&HT hướng dẫn về việc chi phí lương tăng ca không đúng với Luật lao động quy định.

  • Theo quy định của Luật lao động, tổng thời gian làm thêm trong một năm của một người lao động không được vượt quá 200 giờ, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ, tuy nhiên công ty phải đăng kí với cơ quan nhà nước.
  • Đối với chi phí làm thêm vượt quá số giờ quy định nêu trên, về bản chất đây là những chi phí thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, do đó vẫn có thể coi là chi phí được trừ cho mục đích thuế TNDN trong trường hợp khoản chi này được quy định hoặc thỏa thuận trong hợp đồng lao động, Thỏa ước lao động tập thể, Quy chế tài chính…
  • Tuy nhiên, công ty sẽ bị phạt cho hành vi vi phạm quy định về làm thêm giờ của Luật lao động.

2. THUẾ NHÀ THẦU (“FCT”)

1.
Thời hạn kê khai FCT khi thanh toán theo hình thức bù trừ công nợ

Ngày 19/08/2013 Cục thuế TP. Hồ Chí Minh ban hành công văn 5490/CT-TTHT hướng dẫn về thuế nhà thầu.
Theo quy định, thời hạn kê khai và nộp thuế nhà thầu theo từng lần phát sinh là 10 ngày kể từ khi thanh toán. Trong trường hợp việc thanh toán được thực hiện theo hình thức bù trừ công nợ thì thời điểm thực hiện bù trừ công nợ được xem là thời điểm thanh toán. Công ty có trách nhiệm kê khai, nộp thuế nhà thầu thay cho tổ chức nước ngoài theo thời hạn nêu trên.

3. KẾ TOÁN

1.
Nghị định 105/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập

Ngày 16/09/2013 Chính phủ ban hành Nghị định 105/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt mới đối với những vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán và kiểm toán độc lập.
Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kế toán đối với cá nhân là 30.000.000 đồng, đối với tổ chức là 60.000.000 đồng.
Trong cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt dành cho tổ chức bằng 2 lần mức phạt đối với cá nhân.
Đồng thời mức phạt tối thiểu đối với các hành vi vi phạm về chứng từ kế toán cũng tăng so với trước, cụ thể:

  • Phạt tiền từ 20.000.000 – 30.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo, khai man hoặc thỏa thuận, ép buộc người khác giả mạo, khai man chứng từ kế toán (trước đây mức phạt đối với hành vi này từ 10.000.000 – 30.000.000 đồng)
  • Phạt tiền từ 5.000.000 – 10.000.000 đồng đối với hành vi ký chứng từ kế toán khi chưa đủ nội dung chứng từ, không có thẩm quyền ký hoặc không được ủy quyền ký (trước đây phạt từ 2.000.000 – 10.000.000 đồng)

Nghị định này có hiệu lực từ 01/12/2013, thay thế các nghị định 185/2004/NĐ-CP ngày 04/11/2004, nghị định 39/2011/NĐ-CP ngày 26/05/2011.

4. LAO ĐỘNG

1.
Nghị định 102/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của bộ Luật lao động về lao động nước ngoài (LĐNN) làm việc tại Việt Nam

Ngày 05/09/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2013/NĐ-CP.
Trong đó có một số điểm đáng chú ý như sau:

  • Trách nhiệm báo cáo nhu cầu sử dụng LĐNN.
    Hằng năm, doanh nghiệp có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng LĐNN đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính. Trong quá trình thực hiện nếu thay đổi nhu cầu sử dụng LĐNN thì người sử dụng lao động phải báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
    Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản chấp thuận cho từng người sử dụng lao động về việc sử dụng LĐNN đối với từng vị trí công việc.
  • Các trường hợp LĐNN không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
    Ngoài các trường hợp được quy định tại điều 172 của Bộ Luật lao động, nghị định 102/2013/NĐ-CP quy định thêm:

    • Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm: kinh doanh; thông tin; xây dựng; phân phối; giáo dục; môi trường; tài chính; y tế; du lịch; văn hóa giải trí và vận tải.
    • Vào Việt Nam để cung cấp dịch vụ tư vấn về chuyên môn và kỹ thuật hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, theo dõi đánh giá, quản lý và thực hiện chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo quy định hay thỏa thuận trong các điều ước quốc tế về ODA đã ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước ngoài
    • Tình nguyện viên
    • LĐNN vào Việt Nam thực hiện thỏa thuận quốc tế mà cơ quan nhà nước ở Trung ương, cơ quan cấp tỉnh và tổ chức chính trị - xã hội cấp Trung ương ký kết theo quy định của pháp luật Doanh nghiệp phải đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác nhận LĐNN không thuộc diện cấp giấy phép lao động trước ít nhất 07 ngày làm việc, kể từ ngày LĐNN bắt đầu làm việc.
  • Trường hợp LĐNN không có toàn bộ thời gian làm việc tại một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động nộp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đóng trụ sở chính của doanh nghiệp.
  • Thời hạn của giấy phép lao động không quá 2 năm
  • Trục xuất người lao động nước ngoài
    LĐNN làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động mà không thuộc các trường hợp được miễn sẽ bị trục xuất theo quy định của pháp luật Việt Nam.
    Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày xác định người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan công an trục xuất người lao động nước ngoài đó.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2013, thay thế Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25 tháng 03 năm 2008, Nghị định số 46/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 06 năm 2011. Đối với giấy phép lao động đang còn hiệu lực tính đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì không phải đổi giấy phép lao động mới.

2.
Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH)

Ngày 22/08/2013, Chính phủ ban hành Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH. Một số điểm đáng chú ý như sau:

  • Lĩnh vực lao động:

    - Phạt từ 20.000.000 – 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ) nếu có hành vi:

    + Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động (NLĐ).

    + Buộc NLĐ thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng.

    - Trừ trường hợp người lao động nước ngoài thuộc diện không cần cấp giấy phép lao động, nếu NSDLĐ sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc sử dụng giấy phép lao động đã hết hạn sẽ bị phạt tiền theo các mức sau:

    + Từ 30.000.000 – 45.000.000 đồng khi sử dụng từ 1 đến 10 người

    + Từ 45.000.000 – 60.000.000 đồng khi sử dụng từ 11 đến 20 người

    + Từ 60.000.000 – 75.000.000 đồng khi sử dụng từ 21 người trở lên

    Ngoài mức phạt nêu trên, doanh nghiệp có khả năng sẽ bị đình chỉ hoạt động từ 1 đến 3 tháng.

    - Phạt 10.000.000 – 15.000.000 đồng đối với NSDLĐ nếu có hành vi:

    + Cản trở, gây khó khăn cho việc thành lập công đoàn.

    + Ép buộc NLĐ thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.

  • Lĩnh vực BHXH:

    - NSDLĐ chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN sẽ bị phạt từ 12 – 15% tổng số tiền phải đóng nhưng không quá 75.000.000 đồng (Quy định cũ là phạt 0,05% tổng số tiền phải đóng/ngày nhưng không quá 30.000.000 đồng).

    - Phạt từ 20.000.000 – 30.000.000 đồng đối với NSDLĐ có hành vi sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội sai mục đích (Quy định cũ là 6.000.000 – 10.000.000 đồng).

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2013 và thay thế Nghị định số 47/2010/NĐ-CP ban hành ngày 6/5/2010, Nghị định số 86/2010/NĐ-CP ban hành ngày 13/08/2010, Nghị định số 144/2007/NĐ-CP ngày 10/09/2007.

5. VẤN ĐỀ KHÁC

1.
Viết tắt một số chỉ tiêu trên hóa đơn

Ngày 29/08/2013 Cục thuế TP. Hồ Chí Minh ban hành công văn 6167/CT-TTHT hướng dẫn về hóa đơn.
Theo quy định, tiêu thức ‘‘Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán’’, ‘‘tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua’’ : ghi đầy đủ hoặc tên viết tắt theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế.
Trên thực tế có rất nhiều Công ty có tên và địa chỉ nếu ghi đầy đủ theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì không thể ghi hết một dòng tại chỉ tiêu tên, địa chỉ trên tờ hóa đơn. Hơn nữa, việc viết tắt hoặc rút gọn một số danh từ thông dụng như : ‘‘Phường’’ thành ‘‘P’’, ‘‘Quận’’ thành ‘‘Q’’, ‘‘Thành phố Hồ Chí Minh’’ thành ‘‘TP.HCM’’, ‘‘Việt Nam’’ thành ‘‘VN’’ hoặc ‘‘Cổ phần’’ là ‘‘CP’’, ‘‘Trách Nhiệm Hữu Hạn’’ là ‘‘TNHH’’, ‘‘khu công nghiệp’’ là ‘‘KCN’’, ‘‘sản xuất’’ là ‘‘SX’’,... vẫn xác định được tên, địa chỉ Công ty. Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN khi lập hóa đơn mua bán hàng hóa, dịch vụ thì các hóa đơn GTGT mà tất cả các chỉ tiêu, nội dung đều đúng; chỉ ghi tắt hoặc rút gọn tên, địa chỉ người mua, người bán (các danh từ thông dụng như nêu trên), vẫn được xem là hợp pháp và được sử dụng để kê khai thuế.