NGÀY 31 THÁNG 3 NĂM 2013

Bản tiếng Nhật (PDF)Bản tiếng Nhật (PDF) Bản tiếng Việt (PDF)Bản tiếng Việt (PDF)

Quý khách hàng có thể sử dụng file PDF bên tay phải để lưu trữ và in ấn bản tin.
Cần phiên bản Adobe Reader cập nhật mới nhất

Mục lục

1. THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP (“TNDN”)

1.
Hạch toán chi phí thuê nhân công nước ngoài
  • Theo Công văn số 1552/CT-TT&HTN của Cục thuế tỉnh Bình Dương ban hành ngày 26/2/2013, căn cứ tại tiết 2.5a, điểm 2 điều 6 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ tài chính, trường hợp hợp đồng lao động của doanh nghiệp ký với lao động là người nước ngoài làm việc theo đúng quy định của pháp luật, tại hợp đồng lao động có quy định ngoài tiền lương Công ty phải trả thêm các khoản: tiền thuê chỗ ở, tiền điện, nước thì các khoản chi phí nêu trên nếu có hóa đơn hợp pháp ghi tên, địa chỉ và mã số thuế của Công ty thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
  • Căn cứ tại mục II, phần C Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ tài chính, trường hợp Công ty có thuê nhân công là người nước ngoài (là cá nhân không cư trú tại Việt Nam) để hỗ trợ làm công trình ở nước ngoài thì Công ty không phải kê khai khấu trừ thuế TNCN của những cá nhân này do không thực hiện công việc tại Việt Nam.
2.
Trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi

Theo Công văn số 133/CT-TTHT của Cục thuế tỉnh Long An ban hành ngày 23/1/2013, căn cứ theo Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 07/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại doanh nghiệp, trường hợp Công ty có phát sinh khoản nợ phải thu khó đòi, nếu khoản nợ này đảm bảo các điều kiện sau thì Công ty được trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi.

  • Khoản nợ phải có chứng từ gốc, có đối chiếu xác nhận của khách nợ về số tiền còn nợ, bao gồm: hợp đồng kinh tế, khế ước vay nợ, bản thanh lý hợp đồng, cam kết nợ, đối chiếu công nợ và các chứng từ khác.
  • Nợ phải thu đã quá hạn thanh toán ghi trên hợp đồng kinh tế, các khế ước vay nợ hoặc các cam kết nợ khác.
  • Nợ phải thu chưa đến thời hạn thanh toán nhưng khách hàng đã lâm vào tình trạng phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể; người nợ mất tích, bỏ trốn, đang bị các cơ quan pháp luật truy tố, giam giữ, xét xử, đang thi hành án hoặc đã chết.

Phương pháp trích lập dự phòng được xử lí như sau:

  1. Đối với nợ phải thu quá hạn thanh toán, mức trích lập dự phòng như sau:

    • 30% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ trên 6 tháng đến dưới 1 năm.
    • 50% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 1 năm đến dưới 2 năm.
    • 70% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 2 năm đến dưới 3 năm.
    • 100% giá trị đối với khoản nợ phải thu từ 3 năm trở lên.
  2. Đối với nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng nếu khách hàng đã lâm vào tình trạng phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể; người nợ mất tích, bỏ trốn, đang bị các cơ quan pháp luật truy tố, giam giữ, xét xử hoặc đang thi hành án hoặc đã chết… thì công ty dự kiến mức tổn thất không thu hồi được để trích lập dự phòng.
3.
Tỷ giá áp dụng khi xác định doanh thu, chi phí được trừ để tính thuế TNDN

Theo Công văn 2056/ CT-TT&HT do Cục thuế Bình Dương ban hành ngày 12/3/2013 hướng dẫn tỷ giá áp dụng khi xác định doanh thu, chi phí được trừ để tính thuế TNDN, trường hợp Công ty có phát sinh các khoản thu, chi bằng ngoại tệ như: doanh thu bán hàng, khách hàng trả trước tiền mua hàng, chi phí về dịch vụ ngân hàng, trả lãi tiền vay cho bên nước ngoài… thì Công ty sử dụng tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu, chi phí để quy đổi ra đồng Việt Nam khi tính thuế TNDN (theo Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính).

Trường hợp Công ty sử dụng tỷ giá thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi Công ty mở tài khoản khi thanh toán các khoản mục tiền tệ (như phí chuyển tiền, tiền trả nợ vay) để ghi nhận trong sổ sách kế toán theo quy định tại Thông tư số 179/2012/TT-BTC ngày 24/10/2012 của Bộ Tài chính, thì khi xác định doanh thu, chi phí được trừ khi tính thuế TNDN Công ty phải tính lại theo quy định nêu trên.

Thông tư số 179/2012/TT-BTC chỉ hướng dẫn việc ghi nhận, đánh giá, xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái trong lĩnh vực kế toán.

2. THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN (“TNCN”)

1.
Thuế TNCN đối với người nước ngoài làm việc tại Việt nam

Theo Công văn số 153/CT-TTHT của Cục thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành ngày 8/1/2013, căn cứ theo thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ tài chính, trường hợp theo thoả thuận giữa Công ty với các Công ty thành viên ở nước ngoài trong cùng tập đoàn, các Công ty ở nước ngoài cử nhân viên sang Việt Nam làm việc cho Công ty (Công ty không ký hợp đồng lao động với nhân viên; nhân viên thuộc đối tượng cư trú tại Việt Nam theo quy định) thì tiền lương, thưởng và các khoản lợi ích khác như: tiền thuê nhà, điện, nước, phí Internet lắp đặt tại nhà do Công ty chi trả tại Việt Nam phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN. Ngoài ra, nhân viên nước ngoài phải trực tiếp kê khai, nộp thuế TNCN với cơ quan Thuế đối với khoản thu nhập nhận được từ nước ngoài do Công ty nước ngoài cử nhân viên sang Việt Nam chi trả.

Trước khi rời khỏi Việt Nam, nhân viên nước ngoài phải trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan Thuế theo quy định. Theo đó, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập. Khi quyết toán nếu thu nhập phát sinh ở nước ngoài đã tính và nộp thuế TNCN theo quy định của nước ngoài thì được trừ vào số thuế phải nộp tại Việt Nam. Số thuế được trừ không vượt quá số thuế phải nộp tính theo biểu thuế của Việt Nam tính phân bổ cho phần thu nhập phát sinh tại nước ngoài.

3. THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG (“VAT”)

1.
Khấu trừ thuế GTGT đối với hóa đơn viết tắt tên công ty, địa chỉ không đúng như trên giấy chứng nhận đầu tư

Theo Công văn 480/TCT-KK ngày 04 tháng 02 năm 2013 của Tổng cục thuế, các tiêu thức như: tên, địa chỉ của người bán hoặc người mua phải được ghi đầy đủ hoặc viết tắt đúng theo Giấy chứng nhận đầu tư. Nếu các tiêu thức ghi trên hóa đơn nêu trên viết tắt không đúng như trên Giấy chứng nhận đầu tư thì các hóa đơn này có thể không được xem xét khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Tuy thuế TNDN không được đề cập trong công văn trên, nhưng nguyên tắc xác định chi phí được trừ cho mục đích thuế TNDN cũng được xem xét giống như đối với thuế GTGT.

Tuy nhiên, trên thực tế có trường hợp thông tin trên không hoàn toàn giống trên Giấy chứng nhận đầu tư, nhưng mức độ sai lệch thông tin không nghiêm trọng thì cơ quan thuế vẫn chấp nhận cho doanh nghiệp khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Nhưng để hạn chế rủi ro, khi nhận được hóa đơn thì người mua nên kiểm tra thông tin của mình và của người bán. Trường hợp hóa đơn giá trị lớn mà phát hiện sự sai lệch thông tin như trên thì nên yêu cầu người mua xuất lại hóa đơn để tránh rủi ro không được chấp nhận khấu trừ.

Ngoài ra, công văn trên chỉ đề cập đến 2 tiêu chí là tên và địa chỉ công ty. Tuy nhiên, để phòng tránh tối đa rủi ro có thể phát sinh thì người mua nên kiểm tra tất cả các thông tin thể hiện trên hóa đơn.

4. VẤN ĐỀ KHÁC

1.
Xử lý hóa đơn bị phai mờ

Theo Công văn số 1278/CT-TT&HT của Cục thuế Bình Dương ngày 05/02/2013, căn cứ theo Thông tư số 06/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 11/01/2012, trường hợp hóa đơn GTGT hàng hóa, dịch vụ mua vào của Công ty bị phai mờ nên không xác định được các chỉ tiêu trên hoá đơn thì hoá đơn này không hợp lệ. Công ty đề nghị với bên bán hàng photocopy liên 1 (có sao y) và lập biên bản giữa hai bên để làm cơ sở để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

2.
Xử phạt đối với hồ sơ khai thuế tạm tính theo quý quá 90 ngày

Theo Công văn số 502/TCT-CS của Tổng cục thuế ban hành ngày 6/2/2013, căn cứ theo quy định tại tiết a, khoản 1 Điều 14 Nghị định 98/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007, trường hợp doanh nghiệp nộp hồ sơ khai thuế tạm tính theo quý chậm quá 90 ngày nhưng không phát sinh số thuế phải nộp và vẫn còn trong thời hạn nộp hồ sơ quyết toán năm thì không bị xử phạt về hành vi trốn thuế, mà chỉ bị xử phạt về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế, theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 13/2009/NĐ-CP, với mức phạt từ 500.000 đến 5 triệu đồng.

3.
Thông tư 30/2013/TT-BTC hướng dẫn hoàn lại tiền thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông làm bao bì đóng gói sẵn hàng hóa theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ

Theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, ngày 18/3/2013 Bộ tài chính đã ban hành Thông tư số 30/2013/TT-BTC nhằm hướng dẫn việc hoàn lại tiền thuế BVMT đối với túi ni lông làm bao bì đóng gói sẵn hàng hóa.

Theo đó, cá nhân và tổ chức sản xuất hoặc nhập khẩu dưới đây sẽ được hoàn lại tiền thuế BVMT đã nộp cũng như khoản phạt nộp chậm trong giai đoạn từ ngày 1/1/2012 đến ngày 14/11/2012 đối với túi ni lông làm bao bì đóng gói sẵn hàng hóa.

Đối tượng áp dụng

  1. Người nhập khẩu bao bì để đóng gói sản phẩm do người nhập khẩu đó sản xuất, gia công ra hoặc mua sản phẩm về đóng gói hoặc làm dịch vụ đóng gói.
  2. Người sản xuất hoặc người nhập khẩu bao bì bán trực tiếp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác (gọi tắt là người mua bao bì) để đóng gói sản phẩm do người mua bao bì sản xuất, gia công ra hoặc mua sản phẩm về đóng gói hoặc làm dịch vụ đóng gói.

Hồ sơ hoàn thuế:

  • Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước (mẫu số 01/DNHT)
  • Tờ khai bổ sung hồ sơ khai thuế, tiền phạt chậm nộp
  • Chứng từ nộp thuế bảo vệ môi trường, tiền phạt chậm nộp.

Ngoài ra, đối với trường hợp người nhập khẩu bao bì để đóng gói sản phẩm do người nhập khẩu đó sản xuất, gia công ra hoặc mua sản phẩm về đóng gói hoặc làm dịch vụ đóng gói, phải có thêm: hồ sơ hải quan theo quy định; bản chính văn bản cam kết nêu rõ số lượng bao bì nhập khẩu, số lượng sản phẩm sản xuất, gia công ra hoặc mua về đóng gói hoặc làm dịch vụ đóng gói; bản chụp hợp đồng mua bán hoặc đơn hàng.

Đối với trường hợp người sản xuất hoặc người nhập khẩu bao bì bán trực tiếp cho người mua để đóng gói sản phẩm do người mua bao bì sản xuất, gia công ra hoặc mua sản phẩm về đóng gói hoặc làm dịch vụ đóng gói, phải có thêm: hồ sơ hải quan theo quy định (nếu có); bản chụp hợp đồng mua bán hoặc đơn hàng; bản chính văn bản cam kết về việc mua bao bì của người mua bao bì để đóng gói sản phẩm, nêu rõ số lượng sản phẩm; bản chính biên bản xác nhận của người sản xuất hoặc người nhập khẩu bao bì về số lượng bao bì đã bán cho người mua, trong đó nêu rõ số thuế bảo vệ môi trường mà người mua bao bì đã trả; bảng kê hóa đơn bán bao bì để đóng gói sản phẩm.

Hồ sơ hoàn thuế cần phải được hoàn tất và nộp trước ngày 30/6/2013.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 2/5/2013.